Bệnh chàm là một tình trạng da phổ biến đặc trưng với các mảng da khô, ngứa và viêm. Tìm hiểu đúng nguyên nhân, triệu chứng sẽ là tiền đề giúp việc điều trị bệnh chàm đạt kết quả tốt nhất.
Bệnh Chàm là gì?
Chàm là một bệnh thường gặp do nhiều yếu tố nội và ngoại sinh gây ra. Có thể xem chàm như một hội chứng của viêm da dị ứng. Chàm thuộc dạng mãn tính và khá khó điều trị.

Triệu chứng của chàm
- Giai đoạn hồng ban: Ngứa và nổi hồng ban hơi phù nề, trên nền hồng ban lấm tấm nhiều hạt li ti mắt thường khó nhìn thấy, sờ thấy nhám. Các hạt này sẽ thành mụn nước ở giai đoạn sau. Nhiều trường hợp không có mụn nước, chỉ có hồng ban và phù nề, sau đó lặn đi và tróc vảy như cám.
- Giai đoạn mụn nước: Trên nền hồng ban sau vài giờ hoặc vài ngày xuất hiện những mụn nước nông chứa dịch trong. Mụn nước có thể tụ lại thành bóng nước.
- Giai đoạn đóng mài: Mụn nước có thể tự khô và đóng mài nhưng thường nó sẽ vỡ ra, rỉ dịch vàng, khi khô đóng lại thành mài.
- Giai đoạn thượng bì láng nhẵn: Thượng bì tái tạo mỏng như vỏ hành, giai đoạn này ít có, nếu có chỉ thoáng qua.
- Giai đoạn tróc vảy: Thượng bì thường nứt ra và tróc vảy. Nhiều trường hợp trong giai đoạn này mụn nước nổi lại và rỉ dịch vàng. Trong trường hợp chàm bán cấp sẽ lành lại bình thường và bệnh nhân sẽ không còn ngứa nữa.
- Giai đoạn dày da trong trường hợp mạn tính: Bệnh tiến triển lâu năm, da sẽ dày lên dưới tác động gãi mạnh do ngứa nhiều. Da ngày càng dày, màu xám đen, có những rãnh đan chéo nhau thành ô vuông gọi là hiện tượng lichen hóa, thường gặp tại các nếp gấp lớn như cổ chân, nếp cổ.
Nguyên nhân của bệnh chàm
- Cơ địa dị ứng như suyễn, viêm mũi dị ứng, mày đay,…
- Chức năng gan ruột kém
- Rối loạn tiêu hóa như táo bón, viêm đại tràng mãn tính,…
- Suy thận
- Nội tiết
- Chức năng thần kinh bị xáo trộn
- Thiếu acid béo không no, thiếu vitamin PP, B6, B12,…
- Bên ngoài: Các yếu tố hóa học, vật lý, vi khuẩn, ký sinh trùng, thảo mộc,…
- Bên trong: Thuốc men, thức ăn, nội tiết tố,…
Điều trị bệnh chàm
- Giai đoạn cấp: Lúc này dịch nước rỉ khá nhiều nên không dùng thuốc mỡ mà nên sử dụng dung dịch sát khuẩn nhẹ, sau khi rửa sạch thì thoa hồ nước để làm khô dịch tiết.
- Giai đoạn bán cấp: Có thể thoa dung dịch Eosin 2% hay Milian.
- Giai đoạn mạn: Có thể dùng corticoid tại chỗ dạng mỡ, kem hoặc dạng phối hợp với acid salicylic để tiêu sừng nhiều hơn.

- Thuốc kháng histamin nhóm I để chống ngứa.
- Kháng sinh dùng khi bội nhiễm
- Corticoid toàn thân nếu cần
- PUVA liệu pháp và chiếu tia UV: Dùng cho chàm lòng bàn tay, bàn chân hay chàm mạn lan tỏa.
- Thuốc ức chế miễn dịch (cân nhắc)
- Giải dị ứng không đặc hiệu để giảm lượng kháng thể và giảm phóng thích histamin.
Xem thêm: Cách điều trị bệnh u vàng
Bản quyền bài viết : Phòng khám Da liễu & Thẩm mỹ Quốc tế GSV – Cập nhật bài viết 08/03/2023 bởi

Với 10 năm kinh nghiệm chuyên ngành da liễu và thẩm mỹ làm đẹp hiện tại đang chịu trách nhiệm chính Tại Phòng Khám Da Liễu & Thẩm Mỹ Quốc Tế GSV