Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang là bệnh lý phổ biến gây nhiều triệu chứng khó chịu cho người bệnh như: Ngứa, đau rát, nổi bọng nước, viêm loét da…Tình trạng viêm da tiếp xúc cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời để tránh những tổn thương nghiêm trọng trên da.
Mối liên quan giữa kiến ba khoang và bệnh viêm da tiếp xúc.
Bệnh viêm da tiếp xúc tên tiếng anh là Contact Dermatitis, là tình trạng phản ứng viêm cấp hoặc mạn tính khi da tiếp xúc với một số chất gây kích ứng hoặc gây dị ứng trong môi trường sống hằng ngày như chất tẩy rửa, chất trong môi trường làm việc như xi măng, bụi nhà…
Viêm da tiếp xúc được chia làm 2 loại gồm viêm da tiếp xúc kích ứng và viêm da tiếp xúc dị ứng. Trong đó, viêm da tiếp xúc kích ứng là phản ứng viêm da do da tiếp xúc với chất kích ứng, gây nên tình trạng tổn thương da.
Bác sĩ Bùi Văn Vương – Bác sĩ CKI Da Liễu cho biết: “Một trong những loại viêm da tiếp xúc kích ứng hay gặp vào mùa mưa nhất chính là viêm da tiếp xúc với kiến ba khoang”.
Trên thực tế, kiến ba khoang là một trong những “thủ phạm” hàng đầu gây viêm da tiếp xúc kích ứng. Để hiểu rõ hơn về viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang, trước tiên chúng ta cần hiểu rõ kiến ba khoang là gì.
Hình ảnh kiến ba khoang
Kiến ba khoang có tên khoa học là Paederus Dermatitis, là loại côn trùng có thân mình thon dài như hạt thóc. Chúng thường số ở vùng ẩm ướt như đồng ruộng, rìa đầm lầy hoặc chỗ có nhiều cây cối, cỏ mục và thường bị thu hút bởi ánh sáng đèn điện. Chính vì vậy, kiến ba khoang thường bay vào nhà dân và có thể đậu ở bất cứ nơi đâu trong nhà như quần áo, vật dụng, bờ tường, thậm chí là đậu trên người chúng ta.
Các bác sĩ Da liễu cho biết, nhiều người lầm tưởng bệnh viêm da tiếp xúc xảy ra là do bị kiến ba khoang đốt hoặc cắn – điều này không chính xác.Thực chất chúng ta bị viêm da tiếp xúc là do trong kiến ba khoang có chứa chất Pederin – là loại chất có độc tố cao nằm ở vùng hậu môn của kiến. Khi đập, giết, chà sát, nghiền nát kiến, da của chúng ta có thể tiếp xúc với chất Pederin dẫn đến tình trạng viêm da tiếp xúc kích ứng.
Tham khảo: Viêm da tiếp xúc và những điều cần biết
Mùa cao điểm của viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang
Mùa mưa (Tháng 7,8,9,10) hằng năm được xem là mùa cao điểm của viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang bởi đây là thời điểm loài côn trùng này sinh trưởng và phát triển mạnh mẽ.
Bệnh thường xuất hiện vào buổi sáng, sau một đêm ngủ dậy (hơn 60% trường hợp).
Biểu hiện của viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang
Chất pederin tạo nên phản ứng ở da trong vòng 24 giờ sau tiếp xúc. Đáp ứng ở da thấy được khác nhau phụ thuộc vào nồng độ của Paederin, thời gian tiếp xúc và từng cá thể bệnh nhân bị tiếp xúc.
– Trường hợp nhẹ có thể thấy ban đỏ nhẹ trong khoảng 2 ngày sau đó tự hết.
– Trường hợp nặng hơn, các ban đỏ này sẽ tiến tiến thành bọng nước trong vài ngày tiếp theo, tổn thương có vùng hơi lõm gợi hình một vật gì hình tròn hoặc bầu dục áp vào, sau đó là giai đoạn bong vảy da, để lại các dát tăng, giảm sắc tố.
– Thời gian toàn bộ đợt tiến triển có thể kéo dài 5-20 ngày.
– Đôi khi tổn thương cũng để lại sẹo. Các tổn thương này phân bố thành dải do sự chảy dịch tiết của côn trùng trên da.
– Bệnh nhân cũng có thể vô tình truyền chất pederin sang vị trí khác của cơ thể do cào gãi, gây ra các vệt tổn thương khác nhau trên cơ thể hoặc dấu hiệu kissing với các tổn thương đối xứng khớp vào nhau.
– Vị trí tổn thương thường gặp hơn ở các vùng hở, tuy nhiên tổn thương có thể gặp ở bất kì đâu, kể cả vùng mặt và sinh dục do sự va quệt tình cờ của bệnh nhân vào các vùng này.
– Nếu vùng quanh mắt bị tổn thương có thể dẫn đến viêm kết mạc mắt.
– Trong trường hợp rất nặng, các bọng nước có thể lan rộng trên một diện tích lớn của cơ thể gây bội nhiễm, đau, rát và rất khó chịu, toàn thân có thể sốt, hạch vùng sưng đau.
Bị viêm da tiếp xúc do dùng tay đập kiến ba khoang
Điều trị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang
Nguyên tắc điều trị:
– Loại bỏ hoàn toàn nguyên nhân gây bệnh: Ngay sau khi tiếp xúc với côn trùng cần phải rửa ngay vùng bị bệnh bằng nước và xà phòng.
– Tùy từng giai đoạn tiếp xúc để áp dụng phương pháp điều trị khác nhau: Trong trường hợp có bọng nước thì cần sử dụng kim vô trùng để chọc bỏ bỏng nước đó (nhưng cần giữ lại màng bọng nước).
– Bôi tổn thương bằng mỡ corticoid, mỡ kháng sinh đề phòng nhiễm trùng. Tùy từng độ tuổi, tùy từng vị trí tổn thương da để dùng loại thuốc phù hợp.
– Ngoài ra, nên sử dụng các loại dưỡng ẩm để chăm sóc bảo vệ da, hạn chế tình trạng khô da, dày sừng. Trong quá trình vệ sinh hằng ngày, nên dùng những loại sữa tắm dịu da để rửa những vùng da tổn thương.
Phòng bệnh viêm da tiếp xúc với kiến ba khoang
– Tránh tiếp xúc với kiến ba khoang. Nếu thấy kiến ba khoang xuất hiện, cần thổi chúng đi, hoặc cho chúng vào 1 tờ giấy rồi bỏ đi. Sau đó vùng tiếp xúc cần được rửa bằng xà phòng và nước sạch. Tuyệt đối không trực tiếp giết chúng bằng tay không.
– Vào ban đêm, nên đóng các cửa sổ, cửa ra vào do kiến ba khoang rất dễ bị thu hút bởi ánh sáng đèn điện, nhất là vào mùa mưa
– Khi ngủ nên tắt điện để tránh thu hút kiến.
– Khi có cảm giác rát bỏng, nổi ban đỏ cần phải đến cơ sở Da liễu khám để được chẩn đoán và điều trị đúng, kịp thời.
Lưu ý: Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang có thể bị chẩn đoán nhầm với bệnh zona hoặc viêm da tiếp xúc do cây cỏ do có một số triệu chứng tương đối giống nhau. Do đó, bạn cần kết nối với Bác sĩ hoặc đến trực tiếp Phòng khám Chuyên khoa Da liễu GSV để được thăm khám và chẩn đoán, điều trị chính xác nhất.
Tham khảo thêm: VIÊM DA TIẾP XÚC: TỔNG HỢP ĐẦY ĐỦ NHẤT
Bản quyền bài viết : Phòng khám Da liễu & Thẩm mỹ Quốc tế GSV – Cập nhật bài viết 08/03/2023 bởi
Với 10 năm kinh nghiệm chuyên ngành da liễu và thẩm mỹ làm đẹp hiện tại đang chịu trách nhiệm chính Tại Phòng Khám Da Liễu & Thẩm Mỹ Quốc Tế GSV