Viêm da tiếp xúc (VDTX) là phản ứng viêm cấp hoặc mạn tính của da với một số yếu tố trong môi trường khi tiếp xúc với da. VDTX thường không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng gây khó chịu cho người bệnh.
Viêm da tiếp xúc có rất nhiều dạng, dưới đây cũng tổng hợp đầy đủ nhất về đặc điểm, triệu chứng và phương pháp điều trị từng loại.
1. VIÊM DA TIẾP XÚC KÍCH ỨNG
Viêm da tiếp xúc kích ứng là phản ứng viêm da do tương tác giữa da và các tác nhân bên ngoài không qua cơ chế miễn dịch, gây tổn thương với hầu hết những ai tiếp xúc với chất đó. Có 4 cơ chế liên quan đến bệnh: mất lớp lipid bề mặt và các chất giữ nước, màng tế bào bị phá hủy, sự biến tính của keratin thượng bì và tác động tế bào trực tiếp.
Chất chất thường gây VDTX kích ứng: Kiềm, acid, chất tẩy rửa, chất bảo quản,…
Đặc điểm lâm sàng
- Đặc điểm chung: Bệnh thường xuất hiện nhanh sau khi tiếp xúc chất gây kích ứng, tổn thương tại vị trí tiếp xúc, ranh giới rõ với da lành, có thể thấy dấu hiệu kissing (do chất gây kích ứng vẫn còn tồn tại ở vị trí tổn thương, nếu vùng da khác chạm vào cũng sẽ bị bệnh).
- Viêm da tiếp xúc kích ứng cấp tính:
+ Biểu hiện nhẹ: Cảm giác châm chích, rát bỏng, khô căng da,.. do tiếp xúc với những chất có nồng độ thấp như dầu gội đầu, xà phòng,.. hoặc ở những người có yếu tố thuận lợi như độ ẩm thấp, sang chấn, cọ xát,… Biểu hiện có thể xảy ra sau vài tuần, vài tháng, có thể vài năm sau tiếp xúc.
+ Biểu hiện nặng: Đỏ, phù nề, bọng nước, mụn mủ, lột da, hoại tử,… xuất hiện vài giờ sau khi tiếp xúc với các hóa chất mạnh như kiềm, acid. Ranh giới tổn thương rõ với da lành.
- Viêm da tiếp xúc kích ứng mạn tính:
Do tiếp xúc nhiều lần với chất có nồng độ thấp giống như VDTX kích ứng cấp tính. Các tổn thương cơ bản là đỏ da, dày sừng, bong vảy, giống như phản ứng dạng chàm.
Một số thể VDTX kích ứng đặc biệt do:
+ Do làm việc môi trường ẩm: Điều dưỡng, salon tóc, đầu bếp, công nhân hóa chất,…
+ Do cao su
+ Do mùn cưa
+ Do thuốc nhuộm tóc
+ Do ngồi toilet
+ Ở bệnh nhân đại tiểu tiện không tự chủ
+ Do mồ hôi
Nguyên tắc điều trị:
– Xác định chính xác và loại bỏ các chất gây dị ứng.
– Bôi corticoid, tacrolimus trong thời gian ngắn, duy trì bằng bôi dưỡng ẩm.
– Chống nhiễm khuẩn bằng thuốc kháng sinh bôi hoặc uống.
– Kháng histamin H1 chống ngứa
2. VIÊM DA TIẾP XÚC DỊ ỨNG
Viêm da tiếp xúc dị ứng là phản ứng quá mẫn muộn, qua trung gian tế bào (type IV) đặc trứng là phản ứng viêm da dạng chàm tại vị trí tiếp xúc với dị nguyên từ môi trường. Thời gian để gây được mẫn cảm không cố định, có thể 1 tuần, 1 tháng thậm chí là hàng năm.
Các chất gây dị ứng thường gặp như: Kim loại như nickel, mỹ phẩm, nước hoa, thuốc nhuộm tóc, thuốc trừ sâu, thuốc diệt muỗi, phấn hoa,… Dị nguyên có thể trong trang sức, sản phẩm chăm sóc cá nhân, thuốc bôi, thực vật, thuốc chữa bệnh tại nhà, hóa chất tại nơi làm việc. Bệnh rất hay gặp trong lao động và đời sống hàng ngày. Tuy nhiên VDTX dị ứng ít gặp ở trẻ nhỏ và người già > 70 tuổi.
Lâm sàng
Tổn thương xuất hiện ở người đã mẫn cảm sau 48 giờ hoặc nhiều ngày sau khi tiếp xúc với dị nguyên. Các triệu chứng bao gồm ngứa, sốt, đau, châm chích, tổn thương dạng dài hình nhân tạo không tự nhiên.
Có 3 thể:
+ Cấp tính: Đỏ da, phù nề ranh giới rõ, trên có các mụn nước, sẩn đỏ, trong trường hợp phản ứng nặng có xuất hiện bọng nước, vết trợt, xuất tiết, đóng vảy. Tổn thương có thể lan rộng sang cả vùng không tiếp xúc với dị nguyên.
+ Bán cấp: Các mảng đỏ da nhẹ, vảy khô, nhỏ, có thể có các sẩn chắc màu đỏ nhỏ, tròn.
+ Mạn tính: Tổn thương là các mảng đỏ da, lichen hóa, bong vảy kèm các sẩn chắc, đỉnh phẳng, nhỏ, các vết trợt, cào gãi, tăng sắc tố.
Điều trị
Điều trị viêm da tiếp xúc dị ứng gồm có điều trị nguyên nhân và triệu chứng. Việc loại bỏ dị nguyên có vai trò quan trọng trong điều trị cũng như dự phòng tái phát.
- Điều trị tại chỗ: Thuốc bôi corticoid và chọc thoát dịch mụn nước nếu cần.
- Điều trị toàn thân: Corticoid toàn thân, thuốc ức chế miễn dịch hoặc điều trị bằng ánh sáng với trường hợp không đáp ứng thuốc.
3. VIÊM DA TIẾP XÚC VỚI KIM LOẠI NẶNG
Kim loại nặng là nguyên nhân phổ biến thứ 2 gây viêm da tiếp xúc dị ứng (số 1 là do mỹ phẩm). Các kim loại thường gặp là nickel, cobalt, chrom và kẽm. Bệnh nhân viêm da tiếp xúc với kim loại thường dị ứng với nhiều hơn 1 kim loại. Người ra cho rằng đây không phải là phản ứng chéo mà thay vào đó là sự tạp nhiễm của các kim loại được sản xuất hiện nay.
Đặc điểm lâm sàng
VDTX với nickel:
+ Thể khu trú: Dát đỏ, mụn nước, ngứa nhiều khu trí vùng tiếp xúc với nickel như thắt lưng, đồ trang sức,.. Nickel có thể theo ban tay lan khắp cơ thể, tổn thương dạng mụn nước, ban đỏ rải rác toàn thân, có tính chất đối xứng.
+ Thể toàn thân: Hội chứng “khỉ đít đỏ” đặc trưng bởi dát đỏ, mụn nước, sẩn phù, ngứa nhiều vùng mông và nếp gấp. Màu đỏ vùng mông tương tự màu đỏ của khỉ đít đỏ.
VDTX dị ứng với cobalt
+ Bùng phát viêm da cơ địa trầm trọng nếu dị ứng đồng thời cobalt và nickel.
+ Thể khu trú: Dát đỏ, mụn nước khu trú vị trí tiếp xúc.
+ Toàn thân: Có thể dẫn đến bệnh hen, ho, thở khò khè.
VDTX với Chrom:
Chrom thường có trong các ngành công việc sản xuất xi măng, thuộc da, nhuộm mày, sản xuất thuốc nhuộm, luyện kim và hóa chất.
+ Có thể tiến triển thành viêm da tiếp xúc dị ứng hệ thống.
VDTX với kẽm:
Điều trị
Quan trọng nhất là tìm được nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc dị ứng để phòng tránh.
4. VIÊM DA TIẾP XÚC VỚI XI MĂNG
Viêm da tiếp xúc với xi măng là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất gây ra bệnh nghề nghiệp ở công nhân xây dựng. Tỷ lệ bệnh ở các công nhân xây dựng là hơn 10% cao hơn so với tỷ lệ khoảng 1% viêm da dị ứng tiếp xúc với chrom trong dân số nói chung.
Điều trị
Việc điều trị quan trọng là tránh tiếp xúc hoàn toàn với xi măng. Tuy nhiên, viêm da tiếp xúc với xi măng thường có tiên lượng xấu. Một nghiên cứu chỉ ra rằng 64% công nhân vẫn còn triệu chứng dai dẳng mặc dù họ đã thay đổi nghề nghiệp và tránh hoàn toàn tiếp xúc với xi măng.
5. VIÊM DA TIẾP XÚC VỚI CHẤT HƠI
Viêm da tiếp xúc với chất hơi là một phản ứng viêm tại da sinh ra khi tiếp xúc với các phần tử có trong không khí. Viêm da tiếp xúc với chất hơi có thể là VDTX dị ứng hoặc kích ứng. Một số nguyên nhân bao gồm:
+ Thực vật họ Compositae: Hoa, phấn hoa, lá và mầm của một số loại như hướng dương, họ nhà cúc, cỏ phấn hương,… là chất gây dị ứng hơi.
+ Thực vật họ Anacardiaceae: Bao gồm cây thường xuân độc, cây sơn độc, poison oak,… có khả năng gây dị ứng. VDTX chất hơi xảy ra khi vô tình đốt một bụi cây trong đó có lẫn các cây này.
+ Viêm da tiếp xúc với chất hơi dược phẩm: Có thể xảy ra trong quá trình sản xuất hoặc khi được dùng bởi các bệnh nhân, bác sĩ.
+ Nguyên nhân khác: Hạt bụi từ gỗ, thuốc, thủy ngân, vàng, chất phụ gia, thuốc trừ sâu, khói thuốc lá, nhựa cao su,…
Đặc điểm lâm sàng
- Tổn thương có đặc điểm là ban đỏ, mụn nước, bọng nước kèm theo ngứa hay đau rát.
- Vị trí: thường ở mặt, cổ, vùng chữ V trước ngực, cẳng tay và bàn tay đặc biệt là vùng gan bàn tay.
- Vị trí đặc biệt: Mí mắt trên, vùng sau tai và vùng dưới hàm.
Điều trị
- Tránh tiếp xúc với dị nguyên hoặc chất kích ứng.
- Bôi kem bảo vệ để hạn chế xâm nhập của các tác nhân gây dị ứng/kích ứng.
- Tắm thường xuyên, bôi dưỡng ẩm.
- Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch theo chỉ định của bác sĩ.
6. VIÊM DA TIẾP XÚC DỊ ỨNG VỚI GIÀY
Viêm da tiếp xúc với giày là một tình trạng phổ biến, thường liên quan tới giày hoặc tất mà người đó sử dụng.
Đặc điểm lâm sàng
- Ban đỏ và phù nề, hình thành các mụn nước nhỏ, vảy tiết và chảy dịch. Trong VDTX mạn tính, da có thể bị lichen hóa, nứt nẻ hoặc tăng sắc tố. Triệu chứng cơ năng ngứa, rát.
- Vị trí: Mu các ngón chân, đặc biệt là mặt mu ngón chân cái do da mỏng và tiếp xúc trực tiếp với phần trên của giày, đối xứng hai bên. Lòng bàn chân, kẽ ngón chân cái, gót chân ít gặp hơn.
Điều trị
- Tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng bằng cách thay đổi chất liệu giày hoặc tránh tiếp xúc với chúng thông qua việc đi tất.
- Nếu bị dị ứng cao su, nên thay thế tấm lót cao su bằng gỗ ép, nỉ, composit,…
- Mang 2 đôi tất cả xen kẽ các đôi giày khác nhau hàng ngày cũng là một cách hữu hiệu.
- Mang tất được dệt bằng kỹ thuật đặc biệt để bảo vệ da chân.
- Tăng tiết mồ hôi cũng nên được điều trị vì mồ hôi có thể khiến hóa chất thấm ra khỏi giày.
- Sử dụng corticoid tại chỗ và toàn thân, chất dưỡng ẩm theo chỉ dẫn của bác sĩ.
7. VIÊM DA TIẾP XÚC DO MỸ PHẨM
Viêm da tiếp xúc do mỹ phẩm đang ngày càng phổ biến. Tổn thương thường xuất hiện ở vùng mặt và tay, ngoài ra có thể gặp ở vùng cổ, nách và hậu môn sinh dục. Dạng VDTX này có thể phản ứng lan tỏa toàn thân, kể cả những vùng không tiếp xúc trực tiếp với dị nguyên.
Đặc điểm lâm sàng
- Mặt: Thường do kem chống nắng, đồ trang điểm, tẩy trang, nước hoa,… Triệu chứng chủ yếu là da đỏ nề, mụn nước, tiết dịch, bong vảy.
- Mí mắt: Mỹ phẩm dành cho mắt và móng tay,.. Triệu chứng chủ yếu là mí mắt đỏ, phù nề, bong vảy, có thể có viêm kết mạc.
- Môi và miệng: Son môi, kem đánh răng, nước súc miệng, kẹo gum,… Triệu chứng chủ yếu là đỏ da bong vảy khô vùng môi, đôi khi nứt, tiết dịch, hiếm gặp phù nề, ngứa hoặc đau rát.
- Tai: Sản phẩm chăm sóc tóc, nước hoa, nước nhỏ tai, trang sức. Triệu chứng chủ yếu là đỏ, bong vảy vùng mang tai.
- Thân mình: Chất làm ẩm, kem chống nắng, chất tẩy rửa, nước hoa,… Triệu chứng chủ yếu là ngứa, đỏ da, bong vảy bất cứ vị trí nào.
- Tay: Chất làm ẩm, kem chống nắng, nước hoa, sơn móng tay,… Triệu chứng chủ yếu là những mụn nước tiết dịch, biểu hiện mạn tính là khô da và bong vảy.
- Da đầu: Thuốc nhuộm tóc, dầu gội đầu, xịt tóc,… Triệu chứng chủ yếu là đỏ, bong vảy khô, đôi khi bong vảy phấn nhiều, rất ngứa.
Điều trị viêm da tiếp xúc do mỹ phẩm
- Trước khi test dị nguyên:
+ Corticoid loại nhẹ, bôi tại chỗ.
+ Corticoid toàn thân với trường hợp trung bình đến nặng, lan tỏa.
+ Hạn chế dùng mỹ phẩm.
+ Sau 8 tuần đã tránh các chất nghi ngờ và đã hoàn thành phác đồ cortoicd toàn thân hoặc tại chỗ mà không cải thiện thì cần tìm nguyên nhân khác.
- Sau khi test dị nguyên:
+ Tập trung tránh các chất gây dị ứng. Dùng các sản phẩm thay thế không chứa các chất gây dị ứng.
+ Dùng corticoid ngắt quãng để giảm triệu chứng nhanh. Lựa chọn corticoid phụ thuộc từng loại da theo chỉ định của bác sĩ.
8. VIÊM DA TIẾP XÚC DO KIẾN BA KHOANG
Kiến ba khoang tiết ra pederin, đây là một chất có độc tố cao gây ức chế quá trình tổng hợp protein và ngăn chặn quá trình phân chia tế bào. Do đó, khi tiếp xúc với pederin có trong kiến ba khoang, người bệnh thường bị viêm da tiếp xúc kích ứng.
Bệnh thường xảy ra nhiều vào mùa mưa (tháng 7,8,9,10 hàng năm) với các biểu hiện như:
- Giai đoạn cấp tính thường xuất hiện ban đỏ: Trường hợp nhẹ thường xuất hiện các ban đỏ nhẹ và có thể tự hết sau khoảng 2 ngày. Trường hợp nặng, các ban đỏ sẽ tiến triển thành các bọng nước vào những ngày tiếp theo gây cảm giác châm chích hoặc bỏng rát. Trong trường hợp rất nặng, các bọng nước có thể lan rộng trên một diện tích lớn của cơ thể gây bội nhiễm, đau, rát và rất khó chịu, toàn thân có thể sốt, hạch vùng sưng đau.
- Sau đó là giai đoạn bong vảy da để lại các dát tăng giảm sắc tố, thậm chí có thể để lại sẹo nếu tổn thương loét sâu.
- Thời gian toàn bộ quá trình tiến triển có thể kéo dài 5-20 ngày.
- Các tổn thương có thể phân bố thành dải theo đường chảy của dịch tiết kiến ba khoang trên da.
- Chất pederin cũng có thể được truyền sang các vị trí khác trên cơ thể nếu bệnh nhân cào, gãi hoặc gây ra các vệt tổn thương khác.
- Nếu bị tổn thương vùng mắt có thể dẫn đến viêm kết mạc mắt.
Hết sức lưu ý: Ngay khi tiếp xúc với độc tố kiến ba khoang cần rửa ngay vùng tiếp xúc bằng nước và xà phòng. Để điều trị viêm da tiếp xúc kiến ba khoang đạt hiệu quả tốt nhất, cần đi khám chuyên khoa da liễu để được tham vấn tốt nhất.
Phòng bệnh viêm da tiếp xúc
Để phòng ngừa bệnh viêm da tiếp xúc, bạn cần lưu ý những nguyên tắc phòng bệnh sau đây:
- Loại bỏ các chất kích ứng hoặc dị nguyên tiếp xúc đã biết. Phòng tránh côn trùng bằng cách xịt thuốc,vệ sinh nơi ở.
- Không giết côn trùng khi chúng đang bám trên da.
- Dùng kem bảo vệ thích hợp, tránh tắm rửa quá mức. Hạn chế dùng xà phòng hoặc chất tẩy rửa mạnh
- Khi sử dụng đồ dùng (khăn mặt, quần áo…) nên giũ sạch trước khi dùng.
- Thường xuyên bôi kem dưỡng ẩm cho sau để chống nứt, chống khô da, hạn chế sự xâm nhập của các chất làm kích ứng.
- Dùng găng tay, đồ bảo hộ thích hợp khi làm việc trong môi trường có chất kích ứng.
Cần biết rằng, bệnh VDTX là bệnh ngoài da không lây nhiễm, cũng không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, bệnh ảnh hưởng rất nhiều đến thẩm mỹ cũng như đời sống hằng ngày của người bệnh. Do đó, khi mắc bệnh cần điều trị càng sớm càng tốt, tránh để bệnh diễn tiến trong thời gian dài.
Tại Phòng khám Chuyên khoa Da liễu GSV hiện có gói khám và tư vấn điều trị bệnh VDTX. Với đội ngũ bác sĩ chuyên môn giỏi cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại, công nghệ vượt trội, phòng khám là địa chỉ uy tín giúp khách hàng đánh giá tổng quan về tình trạng viêm da tiếp xúc. Bên cạnh đó, đội ngũ chuyên môn sẽ giúp khách hàng tư vấn giải đáp thắc mắc liên quan đến giải pháp điều trị, chăm sóc và phòng bệnh hiệu quả.
Để được tư vấn chuyên sâu hơn, vui lòng liên hệ: 1900 4611 hoặc đến trực tiếp phòng khám tại Lô V10 – A11 The Terra An Hưng, số 102 đường Nguyễn Thanh Bình, La Khê, Hà Đông, Hà Nội.
Fanpage: Phòng khám Chuyên khoa Da liễu GSV
Bản quyền bài viết : Phòng khám Da liễu & Thẩm mỹ Quốc tế GSV – Cập nhật bài viết 08/03/2023 bởi
Với 10 năm kinh nghiệm chuyên ngành da liễu và thẩm mỹ làm đẹp hiện tại đang chịu trách nhiệm chính Tại Phòng Khám Da Liễu & Thẩm Mỹ Quốc Tế GSV